Ăn dặm tự chỉ huy là phương pháp khá phổ biến, được nhiều bà mẹ trẻ áp dụng. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích tuyệt vời thì phương pháp này cũng gây ra một số rắc rối, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Mẹ theo dõi bài viết để hiểu rõ chi tiết hơn nhé!


Trào lưu ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy được nhiều bà mẹ áp dụng

Ăn dặm phương pháp tự chỉ huy là gì?

Ăn dặm phương pháp tự chỉ huy, thường được gọi tắt là BLW, là tên viết tắt của cụm từ Baby Led Weaning. Đây là phương pháp cho trẻ ăn dặm bằng cách để bé tự cầm nắm và đưa thức ăn vào miệng.

BLW bỏ qua giai đoạn đút cho trẻ ăn các loại thức ăn nghiền nhuyễn, dầm nát, hơi lợn cợn mà nhảy ngay sang thức ăn dạng ngón tay. Ở phương pháp này, cha mẹ hoàn toàn tôn trọng quyết định của trẻ, để trẻ tự ngồi trong ghế ăn dặm, cầm nắm, đưa vào miệng và nghiền thức ăn. Nó được khởi đầu mạnh mẽ ở Anh và New Zealand, sau đó lan rộng ra các quốc gia khác trên thế giới. 

Hiện nay tại Việt Nam, BLW dường như đã trở thành trào lưu. Và “Ăn dặm bé chỉ huy” gần như đã biến thành cuốn sách gối đầu giường của các bà mẹ trẻ.

Tuy nhiên, trước khi quyết định áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW với con mình, hãy chắc chắn rằng bạn đã nắm chắc 4 điều dưới đây.

Những điều cần biết trước khi cho con ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy

1. Nắm chắc kỹ năng sơ cứu hóc dị vật

Theo phương pháp ăn dặm truyền thống, trẻ sẽ bắt đầu bằng thức ăn nghiền nhuyễn, chúng sẽ hạn chế tối đa tỉ lệ bị hóc thức ăn của trẻ. Tuy nhiên với BLW, trẻ sẽ có bước nhảy vọt từ sữa mẹ thẳng sang thức ăn dạng ngón tay, và đương nhiên là với khả năng cắn, nhai, nuốt còn yếu ớt thì tỉ lệ bị hóc thức ăn là rất cao.

Trẻ dễ bị hóc khi bắt đầu ăn dặm tự chỉ huy

Có khoảng 1/3 trẻ bị hóc, nghẹn khi bắt đầu với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, trong đó nhiều trường hợp trẻ có thể tự tống thức ăn ra ngoài bằng cách nôn trớ. Tuy nhiên nếu như trẻ không thể tự giải quyết, bạn cần nhanh chóng sơ cứu. Nếu để quá lâu (đôi khi chỉ một vài phút thôi), thức ăn mắc trong đường thở có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Và hãy chắc chắn rằng bạn đã thuộc làu các phương pháp sơ cứu trước khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Các mẹ có thể tham khảo cách xử lý khi trẻ bị hóc dị vật hoặc bị sặc TẠI ĐÂY.

2. Khi nào nên bắt đầu?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tròn 6 tháng tuổi là thời điểm vàng để tập cho con ăn dặm, và BLW cũng thế. Tuy nhiên nếu đã 6 tháng tuổi mà con bạn vẫn chưa thể ngồi vững trong ghế ăn cũng như chưa biết đưa đồ ăn vào miệng thì hãy cho bé thêm một chút thời gian.

3. Cần kết hợp với các phương pháp khác

Người ta cho rằng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy giúp bé hứng thú hơn, ăn thô tốt hơn, có thể ăn nhiều loại thức ăn đa dạng hơn, tiết kiệm hơn và đồng thời cũng tránh được xu hướng cho trẻ ăn nhiều hơn nhu cầu cần thiết – điều thường xảy ra khi cha mẹ đút cho bé – từ đó có thể tránh được nguy cơ béo phì sau này.

Thế nhưng chúng ta cũng không nên tôn sùng BLW một cách mù quáng. Nó có thể gây ra tình trạng thiếu sắt vì trẻ thường có xu hướng được cho nhiều rau củ và hoa quả hơn là thịt cá. Ngoài ra, nếu như việc ăn dặm phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng cầm nắm và nghiền thức ăn thô của một đứa trẻ mới 6 tháng tuổi thì e là năng lượng nạp vào sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể.

Vì vậy, chúng ta có thể kết hợp phương pháp ăn dặm tự chỉ huy và ăn dặm kiểu Nhật, hoặc cũng có thể kết hợp nó với phương pháp ăn dặm truyền thống. BLW có thể chỉ sử dụng 1 bữa trong ngày là đủ.

Có thể kết hợp BLW với ăn dặm kiểu Nhật

4. Lựa chọn thực phẩm như thế nào?

Rau củ và hoa quả thường được ưu tiên trong thực đơn của BLW, nhưng điều này có thể khiến trẻ bị thiếu protein từ thịt các loại động vật. Một số mẹ cũng ưu tiên khoai lang, khoai tây trong thực đơn ăn dặm của bé vì nghĩ chúng dễ nghiền, nhưng thực tế là khoai lại làm tăng nguy cơ hóc nghẹn.

Ngoài ra, mỗi một giai đoạn phát triển trẻ sẽ lại cần nhu cầu thực phẩm khác nhau. Thực đơn ăn dặm tự chỉ huy cho bé 6, 8 tháng không thể giống với bé 1 tuổi. Đó là lý do chúng ta cần lựa chọn thực đơn ăn dặm phương pháp tự chỉ huy thật kỹ càng.

Gợi ý một số thực phẩm trong thực đơn ăn dặm cho bé 6 – 8 tháng tuổi trong giai đoạn bắt đầu:

– Rau củ: bí đỏ, bí xanh, cà rốt, su su, rong biển tách muối ăn liền, bông cải xanh.

– Hoa quả: xoài, chuối, bơ, táo, lê, dưa hấu, roi.

– Tinh bột: mì, bánh mì, bún, phở.

– Thịt, trứng: thịt gà, thịt lợn, trứng rán.

Khi bé lớn hơn khoảng 1 tuổi, khả năng ăn thô tốt hơn thì có thể bổ sung thêm các thực phẩm như:

– Rau củ: măng tây, khoai lang, khoai tây, dưa chuột, bí ngòi, đậu cove, cà chua.

– Hoa quả: trẻ có thể ăn hầu hết các loại hoa quả.

– Thịt, trứng: Tôm, cá, thịt bò.

Thực đơn ăn dặm tự chỉ huy với đa dạng thực phẩm

Trong quá trình thực hiện phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, cần theo dõi trẻ để tránh tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng. Trong trường hợp bé không chịu hợp tác, mẹ hãy thử đổi các phương pháp khác xem sao.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cái nhìn đầy đủ hơn về phương pháp ăn dặm tự chỉ huy cho các mẹ. Nếu muốn được tư vấn thêm về chế độ dinh dưỡng hay thực đơn ăn dặm cho trẻ, mẹ hãy để lại bình luận phía dưới bài viết nhé, chúng tôi sẽ giải đáp trong thời gian sớm nhất có thể!